đọc và bình (lại khoái!)


Đọc truyện ngắn Trong mùa mặt rụng của Nguyễn Ngọc Tư  tôi liên tưởng ngay đến truyện ngắn Kịch câm của Phan thị Vàng Anh. Cả hai truyện đều được dựng trên một cái khung  gia đình tử tế, cho đến khi người con gái phát hiện ra người cha ngoại tình. Chi tiết và tình tiết của cả hai truyện đều nhằm phơi bày sự giả dối và cảnh báo sự đổ nát một khi niềm tin mất đi.

Nhưng với bút pháp khác nhau, hai câu truyện dẫn  tôi tới những cảm nhận khác nhau. Kịch câm đọng lại nỗi sợ của người cha, nỗi sợ mất đi những giá trị có ý nghĩa của đời mình khi mất đi vỏ bọc  đạo đức; và nỗi đau của người con, nỗi đau đánh mất chính mình khi không còn tin ở tương lai, ở con người cùng  những giá trị gia đình - xã hội. Nhân vật trong Kịch câm chỉ suy nghĩ và độc thoại. Ngược lại, tác giả Trong mùa mặt rụng đẩy các nhân vật lên sân khấu kịch nói với lời lẽ đốp chát và hành động kịch tính, như người cha của cô gái đã “lôi xểnh nó ra đường”* và người con hỏi cha “Ông nghĩ cái mặt nào mới là mặt của tôi?”*  Xung đột kịch nói này quăng ra phản ứng: Thà (cô con gái) làm đĩ công khai hơn (người cha đạo đức giả) lén lút ngoại tình.

Có thể coi Trong mùa mặt rụng là bản tiếp theo được kịch nói hóa của Kịch câm .  Phan thị Vàng Anh dừng câu chuyện ở chỗ người cha nghĩ mình đã mất đứa con gái, “mất” theo nghĩa bất lực nhìn nó  rơi xuống bùn”**, “lặn luôn xuống đáy”**. Câu chuyện được Nguyễn Ngọc Tư tiếp theo với màn người cha tìm thấy con gái trong một cảnh mà ông cho là “hư thân” , ông dùng vũ lực (và quyền làm cha) lôi cô ra, cha con cự cãi nhau nơi công cộng.  Truyện phát triển zic zắc rồi kết thúc ở điểm bắt đầu trong Kịch câm: cái cớ để đứa con gái “hư thân” là cái đạo đức giả của người cha. Điểm chiếu sáng trên sân khấu cũng được chuyển từ “nó”, đứa con gái trong Kịch câm  sang “anh”, người cha trong Trong mùa mặt rụng.

“Nó” vốn đố kỵ với cha -  người được mẹ yêu gấp đôi con cái,  người toàn quyền thiết lập luật lệ khắt khe áp đặt lên con cái  trong “một gia đình của trăm năm xưa”**. “Nó” sử dụng bằng cớ ngoại tình của cha như vũ khí để thiết lập trật tự mới, giành cho mình tự do và vị trí ngang hàng với ông chủ gia đình.  “Nó” đã mong muốn trật tự mới từ trước khi bắt được thóp người cha, và khi cơ hội đến nó hí hửng hình dung cuộc sống tự do, thoải mái,và nhất là, nó đã có cái cớ để đổ tội cho những sai lầm nếu có, sau này.”** Thế nhưng “nó chưa quen được tự do”**  và nó không muốn  hư bằng nhau”**  với cha nó, nên nó lại “đạo đức hơn cả bố mình.”**

“Anh” cho rằng con gái mà ăn mặc hở hang, lả lơi với những người đàn ông bỏ tiền mua vui nơi quán nhậu là “hư thân”*. Chứng kiến con gái mình hư thân khiến “anh” nổi giận, rồi cay đắng, rồi ngậm nhục, và cuối cùng cũng là nỗi sợ như người cha trong Kịch câm : sợ “vĩnh viễn mất”* đứa con và sợ danh dự cùng giá trị của mình tan thành “những vụn bụi”*.  Quan hệ giữa “anh” và con gái vốn thân thiết, tin cậy, chăm sóc nhau, và “anh” đã tạo hình ảnh mình như một ngôi sao trong mắt con gái. Cho đến khi anh bị bắt quả tang  đã lừa dối vợ con bấy lâu nay, người con gái “đứng đực ra nhìn”* , sau đó “lầm lì hỏi ba để mặt rớt ở đâu rồi”. Từ đó thế giới vỡ vụn, “anh” là thần tượng sụp đổ trong lòng đứa con gái bắt đầu sống bất chấp cha, bất kể gia đình.

Về mặt kỷ thuật, Trong mùa mặt rụng được xây dựng như một nghịch bản của Kịch câm . Ngoài việc chuyển điểm chiếu sáng từ người con gái sang người cha trong trên sàn diễn, Nguyễn Ngọc Tư đối lập từng cặp chi tiết Trong mùa mặt rụng với truyện ngắn của Phan thị Vàng Anh. Nghề giáo của người cha trong Kịch câm được chuyển giao cho người mẹ Trong mùa mặt rụng, người mẹ này bận rộn với nghề nghiệp và bệnh tật, không gần gũi con gái như người mẹ nội trợ say sưa với việc chăm sóc gia đình con cái trong Kịch câm.  Diễn tiến của Kịch câm lặng lẽ mà khốc liệt theo biến đổi tâm lý của người con gái, xuôi theo chiều thời gian từ lúc hăm hở lợi dụng cái trò dối của cha đến lúc đau khổ với trò chơi hiện tại của mình, và cay đắng với tương lai . Trong mùa mặt rụng ồn ào lộn lạo những cảnh cắt nhanh từ quán nhậu ra đường phố, từ ngã tư đến nhà trọ, ngoài cổng vào trong bếp, ảo giác và hồi tưởng, hạ màn với người cha dáo dác tìm lại quá khứ.

Xung đột cha-con (gái), hay giác ngộ về một giá trị chân/giả dẫn đến trưởng thành / bước ngoặc trong cuộc đời nhân vật là những mô típ vừa xưa vưà phổ biến trong văn học, có thể tìm thấy từ kịch Hy Lạp cổ điển đến “best-sellers” hiện đại. Không ai sở hữu mô típ đó cả. Tùy sự thể hiện của nghệ sĩ / nhà văn mà các tác phẩm cùng mô típ có giá trị nghệ thuật khác nhau.  Đọc Trong mùa mặt rụng liên tưởng đến Kịch câm  là điều tự nhiên, mặc dù Nguyễn Ngọc Tư có thể không hề đọc Kịch câm, không hề cố ý  viết lại, viết tiếp, viết đối hay họa lại Phan thị Vàng Anh (như các cụ xưa làm câu đối, họa thơ).

Đang đọc truyện này sực nhớ truyện kia lôi ra đọc lại rồi nổi hứng bình văn(g) lung tung là chuyện mà Kim Thánh Thán năm xưa làm hoài, nhưng không liệt vào 33 cái khoái.  Theo truyền thuyết,  trước khi bị hành hình vì khoái theo đám học trò có ý kiến này nọ mà bị vu tội phản loạn, Kim cảm thán rằng: “Bị chém đầu thì đau lắm, bị tịch biên gia sản thì thảm lắm, Kim Thánh Thán mà rơi vào cảnh ngộ này thì kỳ thiệt!” Chết đến cổ vẫn còn bình luận, âu là cái tật của người hay đọc sách, chết cũng đáng đời!

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222